Các nhà khoa học Trung Quốc vừa ghép thành công lá gan lợn chỉnh sửa gene cho người đàn ông 71 tuổi mắc bệnh ung thư gan thùy phải.
Theo thông cáo từ Bệnh viện Liên kết Số một Trung Quốc, thuộc Đại học An Huy, đây là ca phẫu thuật ghép gan lợn cho người sống đầu tiên trên thế giới. 7 ngày sau ca ghép, bệnh nhân có thể di chuyển tự do mà không có bất kỳ phản ứng đào thải cấp tính nào xảy ra, không gặp bất thường về đông máu. Chức năng gan trở lại bình thường, với mức độ tiết mật hàng ngày khoảng 200 ml.
Ca ghép gan do nhóm của Giáo sư Tôn Bắc Thành từ Bệnh viện Liên kết Số một phối hợp nhóm của Giáo sư Wei Hongjiang từ Đại học Nông nghiệp Vân Nam, tiến hành ngày 17/5. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u gan phải khổng lồ của bệnh nhân. Họ xác nhận thùy trái không còn đủ khỏe để đáp ứng nhu cầu chức năng gan. Vì vậy, kíp mổ sử dụng lá gan nặng 514 g từ một con lợn 11 tháng tuổi, được chỉnh sửa 10 gene để ghép cho bệnh nhân. Con lợn do nhóm nghiên cứu Đại học Nông nghiệp Vân Nam nuôi.
Giáo sư Tôn Bắc Thành áp dụng phương pháp mới để cấy thùy vào khoang gan phải của bệnh nhân bằng cách xoay gan 45 độ.
"Đây là dấu mốc của kỹ thuật cấy ghép gan lợn dị chủng trên người sống, mở đường cho việc cấy ghép hoàn toàn trong tương lai", giáo sư Tôn Bắc Thành cho biết.
Trước đó, bệnh nhân được áp dụng các cách điều trị bệnh ung thư gan thùy phải nhưng không hiệu quả, nguy cơ vỡ xương nếu không can thiệp nhanh chóng. Trên nguyên tắc nhân đạo, với sự đồng ý của bệnh nhân và người nhà, các bác sĩ đã thành lập ủy ban học thuật để phê duyệt và tiến hành ca cấy ghép dị chủng.
Ca phẫu thuật tạo điều kiện thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc cấy ghép gan lợn, sử dụng chất ức chế miễn dịch và quản lý chu phẫu đối với ghép gan dị chủng. Điều này giúp đưa các ca mổ tương tự vào thực hành lâm sàng.
Trước đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Không quân Trung Quốc đã thành công cấy ghép gan lợn cho một người chết não. Gan lợn được chỉnh sửa gene, ghép vào người chết não để mô phỏng phương pháp điều trị cho bệnh nhân suy gan. Ca ghép này nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu về tiềm năng chữa bệnh của phương pháp cấy ghép khác loài, cung cấp cơ sở lý thuyết và bổ sung dữ liệu cho việc thực hành lâm sàng trong tương lai.
(Theo VNExpress)